12 thg 5, 2013

Nông Dân Với Giải Pháp Tưới Nước Tự Động Cho Cây Trồng

Nông Dân Với Giải Pháp Tưới Nước Tự Động Cho Cây Trồng
- Sau nhiều năm vất vả tưới nước cho cây trồng bằng phương pháp thủ công, nông dân Nguyễn Bá Thịnh (56 tuổi) ngụ ở tổ 1, ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh tìm hiểu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm hệ thống tưới nước tự động. Ông đã tự mình xây dựng thành công mô hình cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tưới tiêu, bón phân hóa học và tưới thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống ống dẫn tự động tiết kiệm.

he thong tuoi nuoc tu dong
Ông Thịnh tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2013

Hệ thống tưới nước tự động được ông Thịnh chế từ hệ thống bơm được nối bởi một đường ống chính (loại phi 60), đặt chạy dọc ở giữa vườn tiêu. Điểm đầu của đường ống bắt đầu từ máy bơm nước, chạy dọc đến điểm cuối của vườn (vị trí cần cấp nước tưới). Sau đó, cứ hai hàng tiêu, đặt một ống xương cá (loại nhựa cứng PVC phi 27) vuông góc với đường ống chính. Nước được phân nhánh theo đường ống hình chữ T.
Ông Thịnh cho biết, hệ thống này sử dụng và vận hành rất đơn giản, đầu tư ít mà lại tránh lãng phí nước tối đa so với các hệ thống tự động khác. Vì lượng nước tưới cho mỗi gốc cây với số lượng ít, tưới theo kiểu thẩm thấu; độ chính xác cao, do đó lượng nước tưới cây trồng hấp thụ được nhiều và tiết kiệm điện, nước.
Trên cơ sở đường ống tưới nước như trên, ông Thịnh đã cải tiến thêm để có thể bón được phân hóa học tự động cho cây trồng. Theo đó, ông đã tiết kế thêm một bình áp lực. Để cung cấp phân vào bình áp lực bón cho cây, ông Thịnh xây thêm một hồ chứa trên cao, đáy của hồ cao bằng đỉnh của bình áp lực. Để hòa tan phân, dùng một mô tơ điện loại 1 KW có gắn chong chóng để hòa tan phân với nước. Sau khi phân đã được hòa tan hoàn toàn, xả van cho nước phân vào bình áp lực rồi bơm vào đường ống bón cho cây.
Đặc biệt hơn, việc tưới thuốc bảo vệ thực vật tại chỗ cũng được thực hiện trên cùng một hệ thống này. Tưới thuốc bảo vệ thực vật để phòng và trị bệnh cho cây trồng khi cần thiết, nhưng lại tốn ít công lao động đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà hiệu quả kinh tế lại cao. Cách thức thực hiện cũng tương tự như bón phân hóa học, thay vì nguyên liệu là phân hóa họa thì lần này nguyên liệu là thuốc bảo vệ thực vật. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ đượ hệ thống ống đẩy đến từng gốc tiêu mà không rơi vãi ra môi trường bên ngoài.
Như vậy, hệ thống tưới tự động của ông Thịnh có thể sử dụng được cả ba mục đích: tưới nước; bón phân và tưới thuốc bảo vệ thực vật đem lại hiệu quả kinh cao và tiết kiệm được nhiều chi phí. Việc tưới nước, bón phân, thuốc được thực hiện một cách đồng bộ đã tiết kiệm được lượng nhân công một cách hiệu quả nhất, rất thiết thực đối với các hộ gia đình làm vườn hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, gia đình ông Thịnh có 3,5 ha với 6.500 nọc tiêu, chi phí đầu tư cho hệ thống tưới tiêu này là 40 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, đem lại lợi nhuận cho cho đình ông hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo như tính toán của ông Thịnh: tiết kiệm từ chi phí cho việc đắp bồn, công lao động tưới tiêu/ha/năm là hơn 10 triệu đồng. Điện năng phục vụ tưới tiêu cho một ha/tháng được hơn 6 triệu đồng… Bón phân hóa học bằng hệ thống tự động này, phân hóa học được hòa tan hoàn toàn vào trong nước. Do đó, có thể thấm nhanh vào trong đất, rễ cây tiêu có thể hấp thụ được ngay. Bón phân bằng cách này, phân hóa học không bị bay hơi, vì vậy bón phân bằng phương pháp này rất hiệu quả và kinh tế. Hệ thống này không chỉ có thể áp dụng cho cây tiêu, mà còn có thể áp dụng cho các loại cây công nghiệp khác đều đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Cao su, cà phê, cây điều, cam quýt…
Mô hình này, hiện nay đã được ông Nguyễn Bá Thịnh phổ biến, triển khai cho một số hộ nông dân địa phương áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhìn thấy được những mặt ưu điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao từ mô hình, ông gửi đề tài tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước năm 2013. Ông Thịnh cho biết: “Đây là hệ thống đơn giản, không có gì là cầu kỳ hay phức tạp gì cả. Tuy đơn giản nhưng lại nhiều lợi ích cho người nông dân, nhất là với những hộ trồng tiêu như hiện nay”./.
Văn  Đoàn – Liên hiệp các Hội KHKT